Nhận định Lê_Thái_Tông

Đại Việt sử ký toàn thư có chép một số lời bàn của sử quan Đại Việt về Lê Thái Tông:[4]

Vua thiên tư sáng suốt, nối vận thái bình; bên trong ức chế quyền thần, bên ngoài đánh dẹp Di Địch. Trọng đạo sùng nho, mở khoa thi chọn hiền sĩ; xử tù, xét án phần nhiều tha thứ khoan hồng. Cũng là bậc vua tài giỏi biết nối giữ cơ đồ. Song đam mê tửu sắc, đến nỗi thình lình băng ở bên ngoài cũng là tự mình chuốc lấy tai họa.

— Đại Việt Sử ký Toàn thư

Vua là bậc hùng tài đại lược, quyết đoán chủ động. Khi mới lên ngôi, nghiền ngẫm tìm phương trị nước, đặt chế độ, ban sách vở, chế tác lễ nhạc, sáng suốt trong chính sự, thận trọng việc hình ngục, mới có mấy năm mà điển chương văn vật rực rỡ đầy đủ, đất nước đã đổi thay tốt đẹp. Các nước Trảo Oa, Xiêm La, Tam Phật Tề,[66] Chiêm Thành, Mãn Lạt Gia vượt biển sang cống. Sau có tên bề tôi trốn tránh là Tông Lai chiêu tập bọn đi trốn làm phản, đặt niên hiệu ngụy là đứa thổ tù Nghiễm ở châu Thuận Mổi dựa vào Ai Lao dám gây biến loạn. Vua thân chỉ huy sáu quân đi giáng đòn trời phạt. Chỉ một tuần mà Tông Lai nộp đầu, hai lần mà tên Nghiễm bị bắt, thực xứng đáng là bậc vua anh hùng.

— Đại Việt Sử Ký Toàn Thư
Khi vua lên ngôi mới có 11 tuổi, không phải nhờ buông rèm coi chính sự mà mọi việc trong nước đều tự mình quyết định, bên trong chế ngự quyền thần, bên ngoài đánh dẹp di địch. Ngài thông minh trí dũng, còn vượt lên trên cả những vua anh minh đời xưa. Huống chi, ngài lại thể theo lòng trời đất nuôi sống muôn loài, ban hành chính sách xót thương bất nhẫn của bậc đế vương, xử kiện xét tù phần nhiều khoan thứ. Đức hiếu sinh của ngài là cái đức của vua Thuấn xưa. Ôi! những người như vua có thể gọi là hết lòng với việc trị nước vậy.
— Vũ Quỳnh – sử thần đời Hồng Thuận[4]
Thái Tông trọng đạo sùng nho, mở khoa thi chọn người tài, dùng người hiền nghe lời can, kính trời, chăm dân, cũng là bậc vua siêng năng. Nhưng say đắm tửu sắc, khi chết không được vẹn toàn.
— Tống Lệnh Vọng – sử thần nhà Mạc[67]

Trong bộ quốc sử Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục biên soạn dưới triều Nguyễn Dực Tông (1847-83), sử thần Đại Nam thời Nguyễn lại đánh giá thấp Lê Thái Tông, thể hiện qua những đoạn văn như " Lê Thái Tông cũng không phải là ông vua sáng suốt" (chỉ việc hoàng đế bãi chức Lê Sát)[68], hoặc "Lê Ngân trước đây, đã bào chữa cho Lê Sát, dường cùng bè đảng với kẻ ác, sao không ngay lúc bấy giờ trị tội luôn cả đi, mà lại cho vượt bậc thăng chức? Đến đây, chỉ vì cớ nhỏ nhặt, lại giết Lê Ngân: hình phạt sao quá lạm thế!"[69] và "đời Lê Thái Tông, vua thì buông tuồng, bầy tôi thì chuyên quyền".[70]